Giá trị của sự hài hòa trong thiết kế

Để mang đến tiếng nói riêng cho ngôi nhà, không chỉ có việc cân nhắc, chọn lọc các vật dụng, đồ nội thất, mà vượt lên đó là phải tạo dựng được sự gắn bó, hơi thở đương đại và vun đắp cho cảm giác sống của gia chủ.

Lợi thế trong quá trình tạo dựng căn biệt thự này là sự phối hợp ngay từ rất sớm giữa đơn vị thi công kiến trúc với thiết kế nội thất. Trong quá trình xây dựng phần thô cho công trình, chủ nhà và người thiết kế đã có sự hợp tác, trao đổi với chủ đầu tư dự án để điều chỉnh, thay đổi mặt bằng, bố trí công năng theo nhu cầu thực tế của gia chủ, hướng công trình theo đúng ý đồ sử dụng sau này. Nhờ vậy mà tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí ở khâu hoàn thiện nội thất sau khi nhận nhà thô.

Gam màu trắng và xám được dùng cho căn biệt thự đã tạo thành nền tảng xuyên suốt cho không gian nội thất. Cách bố trí có tiết chế, chắc lọc, không sa đà vào chi tiết hay tạo cảm giác phô trương đã tạo nên sự cuốn hút và hài hoà giữa các món nội thất “tuyệt tác” – phần lớn là do các nhà thiết kế Ý nổi tiếng sáng tạo nên qua nhiều thời kỳ khác nhau. Tất cả các thành phần không gian hiển hiện đều có sự hài hòa, không nổi bật một cách “chói gắt” mà hướng nhiều đến tính công năng. Việc khai thác tốt ánh sáng tự nhiên còn làm mềm không gian, thêm cảm giác bay bổng cho nội thất.

Các khu vực chức năng được bố trí uyển chuyển, linh hoạt, có sự kết nối và bổ túc cho nhau. Nhiều góc trò chuyện từ lớn đến nhỏ được khéo léo sắp đặt ở các tầng, tạo ra nhiều góc đối thoại thú vị dành cho những thời khắc khác nhau, tâm trạng khác nhau và các thành viên khác nhau của gia đình ba thế hệ. Nhà có người lớn tuổi nên gia chủ đã cho lắp đặt một thang máy ở trung tâm để tiện di chuyển, đặc biệt là khi phòng của ông bà ở tầng cao nhất, kế bên phòng thờ để thuận tiện cho việc chăm sóc không gian tâm linh của gia đình.

Ngoại trừ tầng hầm tập trung hết mức các công năng, gồm một gallery nhỏ là nơi sưu tập tranh của gia chủ, quầy bar và phòng giải trí, thì không gian quan trọng nhất – “linh hồn” của ngôi nhà chính là bếp và phòng ăn chính – cũng nằm ở tầng trên cùng. Lựa chọn này giúp hạn chế mùi, không để ảnh hưởng đến các không gian khác, vừa kết nối gia đình, để người lớn tuổi không phải di chuyển nhiều. Căn bếp hiện tại được “phối trộn” giữa hai bộ bếp khác nhau – điển hình cho hai phong cách của các thương hiệu là Valcucine (từ Ý) và La Cornue (từ Pháp). Hai phong cách, một bên thì nồng nàn ấn tượng, một bên thì mạnh về tính công năng, khi được kết hợp với nhau đã tạo ra sự thú vị cho căn bếp khá rộng.

Xen giữa những thang bậc khác nhau của màu trắng và xám là những điểm nhấn nhã nhặn của đồ nội thất. Sự đồng nhất được chú trọng để tạo ra tính hoà quyện, không có không gian nào là quá đặc biệt hay nổi trội để làm đánh mất phong cách chung của ngôi nhà. Đây có thể xem là công trình điển hình cho một xu hướng luxury mới khi tất cả mọi thứ đều tôn trọng lẫn nhau, hoàn toàn hướng đến người sử dụng, không gây tranh chấp, rối rắm về chi tiết. Giúp tôn vinh tác phẩm của các nhà thiết kế nổi tiếng, trong khi đó vẫn tạo ra không gian sống đặc sắc và rất đỗi nhẹ nhàng cho gia đình.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *